Thể tích hình lập phương Toán lớp 5

Nội dung
  • 3 Đánh giá

Lý thuyết Thể tích hình lập phương được GiaiToan sưu tầm và đăng tải. Nội dung bài bao gồm các dạng bài tập về thể tích hình lập phương kèm theo các bài tập nâng cao, giúp các em rèn luyện kỹ năng giải Toán 5, ôn tập chương 3 Toán 5. Dưới đây là nội dung chi tiết, các em tham khảo nhé.

1. Thể tích hình lập phương Toán 5

Quy tắc: Muốn tính thể tích hình lập phương ta lấy cạnh nhân với cạnh rồi nhân với cạnh.

V = a x a x a

Trong đó: V là thể tích, a là độ dài cạnh

2. Một số dạng bài tập

2.1. Dạng 1: Tính thể tích hình lập phương khi biết độ dài cạnh

Phương pháp: Muốn tính thể tích hình lập phương ta lấy cạnh nhân với cạnh rồi nhân với cạnh.

Ví dụ 1: Tính thể tích của một hình lập phương có cạnh 0,9 dm.

Lời giải:

Thể tích của hình lập phương là:

0,9 x 0,9 x 0,9 = 0,729 (dm3)

Đáp số: 0,729 dm3.

2.2. Dạng 2: Tính thể tích hình lập phương khi biết diện tích xung quanh hoặc diện tích toàn phần.

Phương pháp: Tính diện tích một mặt sau đó tìm lập luận để tìm độ dài cạnh.

Ví dụ 2: Tính thể tích của một hình lập phương có diện tích xung quanh bằng 36 cm2.

Lời giải:

Diện tích một mặt của hình lập phương là:

36 : 4 = 9 (cm2)

Ta có 9 = 3 x 3 nên hình lập phương có cạnh 3 cm

Thể tích của hình lập phương là:

3 x 3 x 3 = 27 (cm3)

Đáp số: 27 cm3.

Ví dụ 3: Tính thể tích của một hình lập phương có diện tích toàn phần bằng 24 dm2.

Lời giải:

Diện tích một mặt của hình lập phương là:

24 : 6 = 4 (dm2)

Ta có 4 = 2 x 2 nên hình lập phương có cạnh 2 dm

Thể tích của hình lập phương là:

2 x 2 x 2 = 8 (dm3)

Đáp số: 8 dm3.

2.3. Dạng 3: Tính độ dài cạnh khi biết thể tích

Phương pháp: nếu tìm một số a mà a x a x a = V thì độ dài cạnh hình lập phương là a.

Ví dụ 4: Cho một hình lập phương có thể tích là 64 cm3. Tính độ dài cạnh của hình lập phương đó.

Lời giải:

Thể tích của hình lập phương bằng cạnh nhân với cạnh, rồi nhân với cạnh.

Ta có: 64 = 4 x 4 x 4

Vậy cạnh của hình lập phương bằng 4 cm.

2.4. Dạng 4: So sánh thể tích của một hình lập phương với thể tích một một hình hộp chữ nhật hoặc với một hình lập phương khác

Phương pháp: Áp dụng công thức để tính thể tích từng hình rồi so sánh.

Ví dụ 5: Trong các hình sau, hình nào có thể tích nhỏ nhất?

Lời giải:

Thể tích của hình A là:

7 x 6 x 5 = 210 (cm3)

Thể tích của hình B là:

4 x 4 x 4 = 64 (dm3) = 64 000 (cm3)

Thể tích của hình C là:

9 x 4 x 3 = 108 (cm3)

Thể tích của hình D là:

5 x 5 x 5 = 125 (dm3) = 125 000 (cm3)

Vậy hình C có thể tích nhỏ nhất.

2.5. Dạng 5: Toán có lời văn

Phương pháp: Đọc kĩ đề bài, xác định dạng toán và yêu cầu của đề bài rồi giải bài toán đó.

Ví dụ 6: Có một cái hồ hình lập phương có cạnh 0,8 m. Hồ không có nước, người ta đổ vào hồ 16 thùng nước, mỗi thùng chứa 20 lít nước. Hỏi mặt nước còn cách mặt hồ bao nhiêu xăng-ti-mét?

Lời giải:

Diện tích mặt đáy của hồ là:

0,8 x 0,8 = 0,64 (m2)

Thể tích nước có trong hồ là:

20 x 16 = 320 (lít) = 0,32 m3

Chiều cao mực nước có trong bể là:

0,32 : 0,64 = 0,5 (m)

Mặt nước còn cách mặt hồ số xăng-ti-mét là:

0,8 - 0,5 = 0,3 (m) = 30 cm

Đáp số: 30 cm

3. Một số bài tập tự luyện

Bài 1. Tính thể tích của hình lập phương có độ dài cạnh bằng 2,4 m.

Bài 2: Tính diện tích toàn phần của hình lập phương có thể tích bằng 27 cm3.

Bài 3: Một cái thùng hình hộp chữ nhật có chiều dài 36 dm; chiều rộng 20 dm và chiều cao 13 dm và một chiếc hộp hình lập phương có độ dài cạnh bằng trung bình cộng của chiều dài, chiều rộng và chiều cao của cái thùng. So sánh thể tích của cái thùng và chiếc hộp.

Bài 4: Hình lập phương thứ nhất có độ dài cạnh 5 dm và hình lập phương thứ hai có độ dài cạnh bằng \frac{4}{5} độ dài cạnh hình lập phương thứ nhất. Thể tích của hình lập phương thứ hai bằng bao nhiêu phần trăm thể tích của hình lập phương thứ nhất?

----------------------------

Tham khảo thêm:

  • 74 lượt xem
Chia sẻ bởi: Đinh Thị Nhàn
Sắp xếp theo