Bài tập Phép cộng và phép trừ số nguyên Toán lớp 6

Nội dung
  • 2 Đánh giá

Cộng trừ số nguyên là dạng toán cơ bản trong chương trình Toán 6 được GiaiToan gửi tới các bạn Bài tập luyện về cộng, trừ số nguyên Toán lớp 6, giúp các bạn học sinh có thể ôn lại kiến thức, biết làm các dạng toán về cọng trừ số nguyên và học tốt môn Toán lớp 6 hơn. Mời các bạn tham khảo.

A. Lý thuyết phép cộng hai số nguyên

1. Cộng hai số nguyên cùng dấu

Quy tắc cộng hai số nguyên âm

Muốn cộng hai số nguyên âm, ta cộng phần số tự nhiên của chúng với nhau rồi đặt dấu "–" trước kết quả.

Ví dụ 1. Tính: (– 25) + (– 63)

Lời giải:

(– 25) + (– 63) = – (25 + 63) = – 88

2. Cộng hai số nguyên khác dấu

– Hai số đối nhau: Hai số nguyên a và b được gọi là đối nhau nếu a và b nằm khác phía với điểm 0 và có cùng khoảng cách đến gốc 0.

– Chú ý:

• Ta quy ước số đối của 0 là chính nó.

• Tổng của hai số đối nhau luôn bằng 0.

– Quy tắc cộng hai số nguyên khác dấu:

• Hai số nguyên đối nhau thì có tổng bằng 0.

• Muốn cộng hai số nguyên khác dấu (không đối nhau), ta tìm hiệu hai phân số tự nhiên của chúng (số lớn trừ số nhỏ) rồi đặt trước hiệu tìm được dấu của số có phần số tự nhiên lớn hơn.

Ví dụ 2. Thực hiện phép tính: 38 + (– 12)

Lời giải:

38 + (– 12) = 38 – 12 = 26

3. Tính chất của phép cộng

– Phép cộng số nguyên có tính chất sau:

• Giao hoán: a + b = b + a;

• Kết hợp: (a + b) + c = a + (b + c).

B. Lý thuyết phép trừ số nguyên

Quy tắc trừ hai số nguyên

Muốn trừ số nguyên a cho số nguyên b, ta cộng số nguyên a với số đối của số nguyên b:

a – b = a + (– b)

Ví dụ 3. Tính:

a) 123 – 210

b) 61 – 19

Lời giải:

a) 123 – 210 = – (210 – 123) = – 87

b) 61 – 19 = 61 + (– 19) = 42

C. Bài tập cộng trừ số nguyên

Bài 1: Thực hiện phép tính:

a) 34 + 108

b) (– 5) + 23

c) 84 + (– 36)

d) (– 136) + (– 34)

e) 23 + (– 45)

f) (– 40) + 94

Bài 2: Thực hiện các phép tính:

a) 19 – (– 6)

b) 69 – (– 80)

c) (– 35) – (– 60)

d) 46 – 78

e) 225 – 350

f) – (23) – (– 120)

Bài 3: Thực hiện các phép tính:

a) (4 + 32 + 6) + (10 – 36 – 6)

b) (77 + 22 – 65) – (67 + 12 – 75)

c) 235 – (34 + 135) – 100

d) (13 + 49) – ( 13 – 135 + 49)

e) (18 + 29) + ( 158 – 18 – 29)

Bài 4: Tính nhanh:

a) 23 + (– 77) + (– 23) + 77

b) (– 1 010) + 1 010 + 11 + (– 12)

c) – 46 + 391 + 246 – 691

d) 34 + 35 + 36 + 37 – 14 – 15 – 16 – 17

e) 4573 + 46 – 4573 + 35 – 16 – 5

Bài 5: Tìm số nguyên x, biết:

a) x + 18 = 6 – 14

b) 20 – x = 40

c) (– 14) – x + (– 15) = – 10

d) 27 – x = 24 – (– 16)

Bài 6: Tính tổng tất cả các số nguyên x, biết:

a) – 8 < x < 9

b) – 10 < x ≤ 10

c) – 7 < x < – 1

d) – 5 < x < 2

---------------------------------------------

Chia sẻ bởi: Cự Giải
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt xem: 73
Sắp xếp theo