Bài toán trồng cây lớp 4 Giải Toán có lời văn lớp 4

Nội dung Tải về
  • 52 Đánh giá

Dạng toán trồng cây lớp 4  là tài liệu do đội ngũ giáo viên của GiaiToan biên soạn bao gồm phương pháp giải và các ví dụ chi tiết có kèm theo đáp án và bài tập cụ thể giúp các em học sinh ôn tập nắm chắc cách giải dạng toán nâng cao lớp 4 này. Mời các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo chi tiết.

Tham khảo thêm: Chuyên đề giải toán có lời văn

1. Bài toán trồng cây trên đoạn thẳng

Dạng 1: Hai đầu đoạn thẳng đều trồng cây

Khi trồng cây trên đường thẳng, số cây sẽ nhiều hơn số khoảng cách là 1.

Số khoảng cách = Độ dài đoạn đường : Khoảng cách giữa hai cây

= Số cây - 1

Số cây = Số khoảng cách + 1

Độ dài đoạn đường = Số khoảng cách x Khoảng cách giữa hai cây

Khoảng cách giữa hai cây = Độ dài đoạn đường : Số khoảng cách

Ví dụ 1: Đường từ nhà Lan tới trường học dài 650m. Hai bên đường từ nhà Lan tới trường học đều có cây, các cây trồng cách nhau 5m. Hỏi đoạn đường đó có tất cả bao nhiêu cây?

Phân tích bài toán:

Để tính số cây phải trồng ở hai bên đường, ta cần tính số cây trồng được ở 1 bên đường.

Bài làm

Số khoảng cách là:

650 : 5 = 130 (khoảng cách)

Số cây trồng ở 1 bên đoạn đường là:

130 + 1 = 131 (cây)

Số cây trồng ở 2 bên đoạn đường là:

131 x 2 = 262 (cây)

Đáp số: 262 cây

Ví dụ 2: Đoạn đường từ nhà Hà đến trường dài 1250m, ở cả hai bên đường đều trồng cây cách đều nhau. Trên đường đi học, Hà đã đếm được có tất cả 252 cây. Hỏi khoảng cách giữa hai cây là bao nhiêu mét? (biết các cây trồng ở hai bên đường).

Lời giải chi tiết:

Để tính khoảng cách giữa hai cây, ta cần tính số khoảng cách giữa hai cây trồng được ở 1 bên đường.

Ta có hình vẽ minh họa:

Bài làm

Số cây trồng ở một bên đường là:

252 : 2 = 126 (cây)

Số khoảng cách ở một bên đường là:

126 - 1 = 125 (khoảng cách)

Khoảng cách giữa hai cây trồng trên đoạn đường là:

1250 : 125 = 10 (m)

Đáp số: 10m

Ví dụ 3: Trên một đoạn đường, người ta trồng 324 cây ở hai bên đường, khoảng cách giữa các cây đều bằng 8m và ở cả hai đầu của đoạn đường đều có trồng cây. Tính độ dài của đoạn đường đó.

Lời giải chi tiết:

Để tính độ dài đoạn đường, ta cần tính số khoảng cách giữa hai cây trồng được ở 1 bên đường.

Ta có hình vẽ minh họa:

Bài làm

Số cây trồng ở một bên đường là:

324 : 2 = 162 (cây)

Số khoảng cách là:

162 - 1 = 161 (khoảng cách)

Độ dài của đoạn đường là:

161 x 8 = 1288 (m)

Đáp số: 1288m

Dạng 2: Một đầu đoạn thẳng không trồng cây

Khi một đầu của đoạn thẳng không trồng cây thì số cây sẽ bằng số khoảng cách giữa các cây.

Bài toán trồng cây lớp 4

Số cây = Độ dài đoạn đường : Khoảng cách giữa hai cây

Số khoảng cách = Số cây

Độ dài đoạn đường = Số cây x Khoảng cách giữa hai cây

Khoảng cách giữa hai cây = Độ dài đoạn đường : Số cây

Ví dụ 4: Đoạn đường từ nhà Minh đến trường dài 2000m. Người ta trồng cây ở hai bên đường. Biết khoảng cách giữa các cây là 4m và chỉ trồng cây ở chỗ nhà Minh mà không trồng cây ở cổng trường. Tính số cây đã trồng trên đoạn đường đó.

Phân tích bài toán:

Vì người ta chỉ trồng cây ở một đầu đoạn đường từ nhà Minh đến trường nên số cây trồng trên đoạn đường bằng số khoảng cách giữa các cây.

Hình vẽ minh họa:

Bài làm

Số cây trồng trên một bên đoạn đường là:

2000 : 4 = 500 (cây)

Số cây trồng trên đoạn đường là:

500 x 2 = 1000 (cây)

Đáp số: 1000 cây

Dạng 3: Hai đầu đoạn thẳng đều không trồng cây

Khi không trồng cây ở hai đầu đoạn đường thì số cây sẽ ít hơn số khoảng cách là 1.

Bài toán trồng cây lớp 4

Số khoảng cách = Độ dài đoạn đường : Khoảng cách giữa hai cây

Số cây = Số khoảng cách – 1

Độ dài đoạn đường = Số khoảng cách x Khoảng cách giữa hai cây

Khoảng cách giữa hai cây = Độ dài đoạn đường : Số khoảng cách.

Ví dụ 5: Đoạn tường nhà Hoa dài 20m, trên đó có trồng các cây được đặt cách đều nhau 20cm. Hỏi có tất cả bao nhiêu cây trên đoạn tường đó, biết rằng hai đầu tường không có cây.

Phân tích bài toán:

Vì hai đầu tường không có cây nên số khoảng cách giữa các cây nhiều hơn số cây là 1.

Hình vẽ minh họa:

Bài làm

Đổi 20 m = 2000 cm

Số khoảng cách giữa hai cây là:

2000 : 20 = 100 (khoảng cách)

Số cây được trồng trên đoạn tường là:

100 – 1 = 99 (cây)

Đáp số: 99 cây

2. Bài toán trồng cây trên đường khép kín

Bài toán trồng cây lớp 4

Số cây = Chu vi hình khép kín (hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật,….) : Khoảng cách giữa các cây

Chu vi hình = Số cây x Khoảng cách giữa các cây

Khoảng cách giữa hai cây = Chu vi hình : Số cây

Ví dụ 6: Một khu vườn hình vuông có cạnh bằng 20m. Người ta trồng cây xung quanh khu vườn đó, cứ 10m lại trồng 5 cây. Hỏi xung quanh khu vườn đó trồng được bao nhiêu cây?

Phân tích bài toán:

Hình vẽ minh họa:

Bài làm

Chu vi khu vườn là:

20 x 4 = 80 (m)

Khoảng cách giữa mỗi cây là:

10 : 5 = 2 (m)

Số cây trồng được xung quanh khu vườn là:

80 : 2 = 40 (cây)

Đáp số: 40 cây

3. Bài tập vận dụng toán trồng cây

Bài 1: Một người thợ mộc cưa một cây gỗ dài 20m thành những đoạn, mỗi đoạn dài 5dm. Mỗi lần cưa hết 4 phút. Hỏi cưa xong cây gỗ hết bao nhiêu thời gian ?

Bài 2: Quãng đường từ nhà Hồng đến trường có tất cả 52 cây, hai cây liên tiếp cách nhau 50m. Hỏi quãng đường từ nhà Hồng đến trường dài bao nhiêu mét ? Biết hai đầu đường đều có cây.

Bài 3: Một khu vườn hình chữ nhật dài 60m, chiều rộng 40m. Người ta rào xung quanh vườn hai trụ rào liên tiếp cách nhau 3m và có một cửa ra vào rộng 5m, hai trụ của cửa cũng là hai trụ rào. Hỏi có tất cả bao nhiêu trụ rào?

Bài 4: Người ta đóng cọc rào một khu vườn hình vuông cạnh 20m, cách 2m đóng 1 cọc rồi đan nứa rào xung quanh. Hỏi tiền nứa và tiền cọc hết bao nhiêu, biết rào 2m mất 4 cây nứa, 1 cây nứa giá 3000 đồng và giá một cọc rào là 4000 đồng?

Bài 5: Một cửa số có 12 song cửa, các song cửa cách đều nhau 10cm. Hỏi cửa sổ rộng bao nhiêu mét?

Bài 6: Một sợi dây thép dài 15m. Người ta định cắt ra từng đoạn, mỗi đoạn dài 3m, hỏi phải cắt bao nhiêu lần?

Bài 7: Một mảnh đất hình chữ nhật có chiều dài 10m, chiều dài gấp 5 lần chiều rộng. Tính số cọc cần đóng quanh thửa ruộng biết khoảng cách giữa hai cọc là 6dm.

Bài 8: Một cái sân hình chữ nhật có chiều dài 15m và chiều rộng bằng 3/5 chiều dài. Người ta xây cọc để làm hàng rào. Hỏi cần bao nhiêu tiền để mua cọc, biết giá tiền mỗi cọc là 200000 đồng.

Bài 9: Người ta đóng cọc rào quanh một khu vườn hình vuông có chu vi bằng chu vi hình chữ nhật có chiều dài 92m, chiều dài gấp đôi chiều rộng. Tính số cọc rào cần đóng biết rằng hai cọc cách nhau 4m.

Câu hỏi liên quan:

----------------------------------------

Như vậy, GiaiToan.com đã gửi tới các bạn Cách giải dạng Toán trồng cây trong chương trình Toán tiểu học. Ngoài ra, các em học sinh có thể tham khảo thêm các tài liệu như Lý thuyết Toán lớp 4, Đề thi học kì 1 lớp 4, Đề thi học kì 2 lớp 4 để học tốt môn Toán hơn và chuẩn bị cho các bài thi đạt kết quả cao.

Chia sẻ bởi: Biết Tuốt
(52 lượt)
  • Lượt tải: 763
  • Lượt xem: 33.876
  • Dung lượng: 308,5 KB
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan